Cách trồng rau má tại nhà đơn giản

Rau má là một loại thực vật không chỉ được dùng làm thực phẩm trong các bữa ăn mà còn có tác dụng to lớn đối với sức khỏe con người. Không chỉ được trồng theo mô hình kinh doanh lớn nhằm cung cấp đến người tiêu dùng, rau má còn có thể trồng tại nhà một cách cực kì đơn giản. Chỉ cần chuẩn bị một vài dụng cụ và bịch hạt giống, chúng ta có thể thu hoạch được những luống rau má tươi xanh ngon lành.
Chuẩn bị dụng cụ trồng
Dụng cụ trồng khá đơn giản, đó là những vật dụng quen thuộc có thể tận dụng ở nhà bạn như thùng xốp, khay đựng, bao bố hay thậm chí là mảnh đất nhỏ trong vườn nhà.
Đất trồng rau má
Với khả năng sinh trưởng mạnh, rau má không kén đất trồng. Tuy nhiên để rau má phát triển tốt, nên trồng trên các loại đất như đất thịt pha cát, đất tơi xốp, đất phèn. Đất trồng không được nhiễm sâu bệnh hại sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây rau má. Bạn có thể mua đất sạch tại các nông trại hoặc trộn thêm sơ dừa, trấu, phân chuồng hoai mục vào đất trước khi trồng một tuần.

Xem thêm: Chia sẻ kỹ thuật trồng rau má tại nhà trong thùng xốp tươi tốt “NÓI KHÔNG” với phân thuốc

Hạt giống rau má
Hiện nay trên thị trường có ba loại hạt giống rau má là rau má cọng tím, rau má mèo và rau má mỡ. Hạt giống rau má không cần phải ngâm trong nước trước khi trồng như các loại hạt giống khác mà là gieo trực tiếp lên đất.
Tiến hành trồng rau má
Bạn bỏ đất vào các giá thể như thùng xốp, khay đựng đã chuẩn bị trước. Đối với mảnh đất vườn nhà bạn, tiến hành xới cho tơi đất. Tuy nhiên tránh đặt thùng xốp trồng rau hoặc trồng trên đất cạnh những nơi bị ô nhiễm, có chất thải đôc hại.
Đầu tiên bạn tưới nước cung cấp đủ ẩm cho đất trồng. Sau đó, bạn tiến hành rải hạt giống rau má lên trên mặt đất với mật độ không quá dày hoặc quá mỏng.
Tiếp theo, bạn rải một lớp đất mỏng để giữ độ ẩm cho hạt giống. Cuối cùng, bạn tưới phun nước lên bề mặt đất vừa gieo hạt để cấp độ ẩm cho hạt nảy mầm.
Lưu ý, trong thời gian từ 3-4 ngày đầu sau khi gieo hạt, bạn nên dùng một tấm bạt hoặc lấy rơm rạ phủ lên bề mặt để tránh ánh sáng và giữ ẩm để hạt nảy mầm nhanh. Sau khoảng thời gian đó, lấy bạt ra để cây có thể đón ánh sáng.

Xem thêm: Cách trồng rau má hương thủy sinh hiệu quả

Chăm sóc rau má sau khi trồng
Rau má là loại cây sinh trưởng tốt và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, rất phù hợp cho người không có nhiều thời gian.
Một ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát nhằm duy trì và cung cấp đủ độ ẩm cho cây. Chỉ nên tưới phun lên bề mặt cây, không nên tưới đẫm sẽ dẫn tới tình trạng ngập úng, hư cây.
Khi trồng được hai tuần, lúc này rau má đã phát triển thành cây con, tiến hành tỉa bớt những bụi rau má dày, đảm bảo mật độ trồng để cây phát triển tốt.
Nếu có cỏ mọc xung quanh, nhất là khi bạn trồng rau má trên đất vườn, cần nhổ sạch cỏ để tránh tình trạng cỏ xâm lấn.
Rau má rất hợp với phân vi sinh và các loại phân chuồng hoai muc. Vì vậy, sau thời gian gieo hạt khoảng ba tuần, tiến hành bón một lớp phân mỏng lên bề mặt rau má để cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Bón phân cách nhau từ 15-20 ngày cho mỗi đợt.
Tuy dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, rau má có thể mắc các bệnh như vàng lá, đốm lá, rỉ sắt. Vì vậy, cần phun các chế phẩm sinh học phù hợp để phòng trừ sâu bệnh hại, giúp cho cây rau má phát triển tốt.
Thu hoạch
Sau khoảng thời gian từ 35-40 ngày, rau má sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Chú ý, chỉ cắt cọng lá, chừa lại thân và rễ cây rau má, bón thúc để cây cho thu hoạch lứa tiếp theo. Mỗi vụ trồng có thể cho thu hoạch từ 8-10 lứa.

Xem thêm: Hướng dẫn cách trồng rau má đơn giản hiệu quả từ A – Z

Tác dụng của rau má đối với sức khỏe của con người
Bạn có thể chế biến rau má theo nhiều cách để sử dụng như luộc, nấu canh hay xay nước uống. Rau má có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan và giúp lợi tiểu. Bên cạnh đó, rau má còn có thể chữa các bệnh về tĩnh mạch, phục hồi vết thương, giảm stress, mệt mỏi, hỗ trợ hệ tuần hoàn và rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Cách trồng rau má rất đơn giản phải không nào. Chúc các bạn thành công.

Bình luận bài viết (0 bình luận)

Bình luận đã bị đóng.