Cách trồng tiêu bằng trụ sống tốt nhất có thể bạn chưa biết

Hồ tiêu là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và được trồng ở rất nhiều nơi tại Việt Nam như: Vĩnh Linh, Vĩnh Phúc, Hà Tiên, Phú Quốc,… Mỗi nơi sẽ có những cách trồng khác nhau như: trồng trên trụ sống, trụ chết hoặc trụ tạm.
Tuy nhiên, trồng tiêu bằng trụ sống được áp dụng nhiều và được xem là bền vững. Bởi có thể tận dụng được các nhánh cây để chắn gió, bảo vệ được hồ tiêu, hạn chế mất nước và tạo điều kiện sinh thái đa dạng, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Vậy trồng tiêu bằng trụ sống như thế nào? Cách thực hiện ra sao? Bà con cùng tham khảo qua nội dung được chia sẻ dưới đây nhé!

Trồng trụ cho cây tiêu:

Cây trụ sống:

Loại cây có thể được chọn làm trụ sống gồm: cây keo đậu, cây lồng mức, muồng đen,…
Khoảng cách phù hợp:

  • Muồng đen: khoảng cách 3m x 3m tức khoảng 1.100 cây/ 1 ha.
  • Lồng mức và keo đậu: Khoảng cách tốt nhất là 2,5m x 2,5m tức 1.600 cây/1 ha.

Cây trụ sống sẽ được trồng trước khi tiến hành trồng tiêu khoảng 1 – 2 năm. Trong quá trình trồng, mỗi năm nên bón thúc cho cây trụ sống, chăm sóc đảm bảo cây trụ sống sinh trưởng tốt để tiêu có thể leo bám an toàn.
Khi trồng, bạn hãy bón lót cho cây trụ sống như sau:
Cứ 1 gốc cây là bón 2kg phân chồng + 0,2 – 0,3kg lân Đầu Trâu.
Sau trồng 20 ngày, tiếp tục bón thúc 10-15g Urê và 5g KCl/cây. Bón theo định kỳ cho đến khi trồng tiêu.

Trồng trụ tạm

Khi trồng tiêu bằng trụ sống thì phải trồng bằng trụ tạm để thay thế cho trụ sống trong thời gian trụ sống phát triển đủ để tiêu leo bám.
Khi trồng trụ sống chừng 2 đến 3 tháng, bạn sẽ bắt đầu trồng tiêu. Vào thời điểm này, trụ sống còn rất nhỏ, do đó, trụ tạm sẽ thay thế lúc này.
Trụ tạm sẽ trồng cách trụ sống từ 10 – 15cm, cao 3m (tính từ mặt đất) và đường kính từ 10 – 15cm.
Cây trụ tạm phải chắc chắn và khỏe để đảm bảo tiêu leo bám tốt trong 2 – 3 năm trước khi trụ sống trưởng phát triển.

Cách trồng tiêu:

– Đào hố trồng tiêu:
Đầu tiên, bạn cần đào hố trồng có kích thước 40cm x 40cm x 40cm ( nếu trồng một hố một bầu), kích thước 60cm x 60cm x 50cm nếu mỗi hố 2 bầu tiêu.
Tại cây trụ tạm, bạn sẽ đào 2 hố ở 2 bên, mép hố sẽ cách trụ tạm chừng 10 – 15cm và cách trụ sống 40 – 50cm.
Mỗi trụ tiêu sẽ được bón lót với lượng phân: 10-20kg phân chuồng, 0,2-0,3kg vôi bột và 0,2-0,5kg phân lân. Lượng phân này sẽ trộn đều với đất mặt và lấp tất cả xuống hố.
Còn phần đất trong hố, bạn hãy xử lý bằng Confidor 100SL 0,1%.
Việc xử lý đất và bón lót sẽ tiến hành trước 15 ngày trồng tiêu.
– Che nắng và chắn gió:
Sau khi trồng tiêu xong, bạn hãy che bóng, che nắng cẩn thận để bảo vệ tiêu con nhé. Bạn có thể làm dàn che nắng, che gió bằng vòm để che chắn hiệu quả.

Xem thêm: Hướng dẫn trồng hồ tiêu xen cà phê chuẩn và hiệu quả kinh tế cao

Chăm sóc cây tiêu

Buộc dây tiêu

Có hai trường hợp:
– Nếu Tiêu trồng bằng dây thân: Sau khi trồng khoảng 1 đến 2 tháng, tược mọc đến đâu bạn sẽ buộc dây đến đó. Buộc kịp thời để cây tiêu được bám chắc vào trụ.
– Nếu trồng bằng dây lươn: Bạn cần thường xuyên buộc dây lươn vào trụ, tốt nhất là 7 – 10 ngày buộc 1 lần.

Tạo hình, nuôi thân

– Đối với tiêu trồng bằng dây thân:
Với tiêu trồng bằng dây thân, bạn hãy thực hiện tạo hình 1 năm sau trồng. Bạn hãy tiến hành cắt ngang dây thân có độ cao trên 1,5m. Cắt cách mặt đất từ 25 – 30cm.
Với những dây thân vừa mới phát sinh vào trụ tạm, bạn hãy buộc các dây khỏe vào trụ cây sống, các dây còn lại cắt bỏ.
Sau đó, buộc cây ở trụ tạm vào trụ sống khi trụ sống đã lớn. đồng thời hãm ngọn trụ sống với độ cao 5m.
– Đối với tiêu trồng bằng cành lươn:
Bạn hãy bắt đầu đôn dây tiêu ở năm thứ 2. Bạn hãy đôn dây khi tiêu leo được 1 – 1,2m và có 2 – 4 nhánh ác ở ngọn.
Khi đôn, bạn phải thật cẩn thận tránh làm tổn hại hay làm gãy dây tiêu.
Với những dây không mang nhánh ác, bạn hãy khoanh tròn dưới gốc. Sau đó bạn hãy lấp đất nhẹ.

Rong tỉa cây trụ sống:

Bạn hãy tiến hành rong tỉa cây trụ sống vào đầu mùa mưa. Chỉ cần để lại 1 cành nhỏ để hút nhựa. Bạn cần lưu ý, tuyệt đối không được để dây tiêu bao trùm trụ sống đã được hãm ngọn nhé.
Vào tháng 8 bạn tiến hành rong tỉa nhẹ. Chỉ để lại cây tái sinh để tạo bóng mát vào mùa khô.

Bón phân

– Phân hữu cơ: Để cây tiêu phát triển tốt và bền vững, bạn hãy bón phân hữu cơ với liều lượng khoảng 30-40m3/ha
Khi vào mùa mưa, bạn hãy đào đào rãnh vành khăn xung quanh của gốc tiêu, cách mép tán 15 – 20cm, rộng 15 – 20cm và sây 5 – 10cm.
Sau đó, bạn hãy bón phân hữu cơ đã hoại hoàn toàn và lấp đất lại.
– Phân khoáng: Bạn sẽ dùng phân NPK Đầu Trâu để bón cho cây tiêu ở giai đoạn trưởng thành. Liều lượng sẽ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tiêu.

Tưới nước và thoát nước

Tùy vào điều kiện thời tiết, bạn sẽ tưới nước một cách hợp lý. Khi bắt đầu mùa mưa, bạn cần làm hệ thống thoát nước tốt, đồng thời tiến hành vun gốc tiêu để tình trạng đọng nước không xảy ra.
Như vậy, cách trồng tiêu bằng trụ sống cũng khá đơn giản. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bà con trồng tiêu bằng trụ sống hiệu quả nhất. Chúc bà con thành công!
Cách trồng tiêu bằng trụ sống tốt nhất. Chăm sóc cây tiêu và trụ sống như thế nào hiệu quả? Những lưu ý khi trồng tiêu có thể bạn chưa biết.

Bình luận bài viết (0 bình luận)

Bình luận đã bị đóng.