Kỹ thuật trồng dừa năng suất cao

Dừa là một loại cây sống lâu năm, chúng có thể sinh trưởng và phát triển đến 50-60 năm. Chúng ta có thể thấy dừa xuất hiện và cho trái ở tất cả các mùa trong năm. Đây là một loại trái có giá trị sử dụng cao, vừa là một thứ nước giải khát, giải nhiệt vừa dùng để chế biến ra các món ăn, bánh, kẹo,…
Cây dừa cũng khá dễ trồng, dường như bất kì ai cũng có thể trồng được. Tuy nhiên, để cho vườn dừa sai trái, năng suất cao, người trồng cần phải có kỹ thuật trồng dừa. Vậy bạn đã nắm được kỹ thuật trồng dừa? Dưới đây là kỹ thuật trồng dừa cho năng suất cao, bạn hãy theo dõi và tìm hiểu nhé.

1. Các loại giống cây dừa

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại giống cây dừa. Mỗi loại giống sẽ có những đặc điểm riêng như sau:
Giống dừa cao: 
Giống dừa cao gồm có: dừa ta (xanh, vàng); dừa dâu (xanh, vàng); dừa bung.
Dừa ta và dừa bung thường có gốc to, đường kính gốc 0,6-0,7m, thân cây to khoảng 0,30m, cây cao 20-25m, tuổi thọ lên đến 50-60 năm. Cây cho trái to hơn dừa dâu và thường khoảng 8-12trái/tháng,gốc rễ chắc chắn, có thể chịu được gió bão.
Riêng giống dừa dâu thì thường có gốc nhỏ, khoảng 0,5-0,6m, thân nhỏ khoảng 0,25m, cây cao 10-15m, tuổi thọ từ 35-45 năm. Dừa dâu cho trái nhỏ hơn dừa ta, thường từ 12-15trái/tháng. Nếu bạn ít bón phân, thiếu chăm sóc thì trái cũng sẽ giảm.
Giống dừa lùn:
Giống dừa lùn bao gồm: dừa xiêm (xanh, đỏ, lục, núm), dừa ẻo (xanh, vàng), dừa Tam Quan, dừa Mã Lai, dừa dứa (loại trái nhỏ),…
Dừa lùn thường có đường kính gốc khoảng 0,35m, cây cao 10-12m, tuổi thọ khoảng từ 25-35 năm. Loại giống này cho trái nhỏ, thường 12-15trái/tháng.
Nếu người trồng ít bón phân, ít chăm sóc thì dừa cũng cho trái rất nhỏ.
Ngoài ra, trên thị trường còn có các giống dừa lai nhân tạo do Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dừa Đồng Gò sản xuất. Các loại giống dừa này cho trái khoảng 3-4 năm, năng suất từ 100-150trái/cây/năm, cây thấp dễ thu hoạch, chịu hạn tốt, khỏe mạnh, ít sâu bệnh.

Xem: Kỹ thuật trồng cây ăn quả sai trái năng suất cao

2. Cách chọn giống dừa

Việc chọn giống dừa rất quan trọng, quyết định đến năng suất thu hoạch sau này. Bạn có thể tham khảo cách chọn giống dừa như sau:
Chọn cây dừa mẹ:
Tuổi cây mẹ: Với giống dừa cao có tuổi từ 15 – 30 năm. Với giống dừa lùn có tuổi từ 10 – 15 năm.
Năng suất: Dừa cao cho năng suất khoảng từ 70-100 trái/cây/năm; Dừa lùn năng suất từ 100-120 trái/cây/năm.
Thân cây phát triển bình thường, không dị dạng, sẹo lá khít, thân khỏe, mọc thẳng, không bị sâu bệnh.
Chọn trái giống:
Tuổi trái: Khi vỏ trái đã khô và già.
Trái giống đều đặn, tròn trịa, không dị dạng, không bị sâu bệnh.

3. Khoảng cách trồng

Tùy theo giống, độ màu mỡ của đất, điều kiện khí hậu và mô hình trồng sẽ có khoảng cách trồng khác nhau. Tuy nhiên, với giống dừa cao thường trồng thưa hơn giống lùn. Cũng không nên trồng thưa quá sẽ gây lãng phí đất canh tác, nếu trồng quá dày thì cây sẽ cạnh tranh ánh sát, năng suất thấp.
Bạn có thể trồng với khoảng cách như sau:
– Giống dừa cao: khoảng cách trồng 9m x 9m hình tam giác đều, mật độ 143 cây/ha.
– Giống dừa lai: khoảng cách trồng 8.5m x 8,5m  hình tam giác đều, mật độ 160 cây/ha.
– Giống dừa lùn: khoảng cách trồng 8m x 8m hình tam giác đều, mật độ 180 cây/ha.

4. Kỹ thuật trồng dừa

Cây dừa là loại cây ưa ánh sáng hoàn toàn và khá dễ trồng. Quan trọng là bạn bố trí khoảng cách trồng và trồng xen canh sao cho thích hợp.
Như đã nói trên, khoảng cách và mật độ trồng tùy theo điều kiện đất đai và giống dừa.
Tuy nhiên, đối với loại đất tốt, dừa cao có thể trồng với khoảng cách 8,5m – 9m. Dừa lùn trồng với khoảng cách 6 – 7m.
Đối với loại đất xấu, dừa cao trồng cách 7 – 8m, dừa lùn cách 5 – 6m.
Nếu bạn trồng xen canh với các loại cây khác thì khoảng cách có thể thưa hơn trên khoảng 1m và cây trồng xen cách gốc dừa ít nhất là 2m.
Phân bón cho dừa tùy thuộc vào loại giống dừa và loại đất. Tuy nhiên, bạn cần bón phân ít nhất mỗi năm 2 lần vào đầu và gần cuối mùa mưa.
Bạn có thể bón phân bằng 3 cách:
– Đào rãnh xung quanh gốc, cách gốc 1,5 – 2m, sau đó bón phân vào rãnh và lấp đất lại.
– Đào từ 10 – 12 lỗ xung quanh gốc, cách gốc 1,5 – 2m, sâu từ 10 – 15cm. Sau đó bón phân xuống lỗ lấp đất lại.
– Bạn cũng có thể rải phân chung quanh gốc dừa sau đó bồi bùn vào đầu mưa.

5. Chăm sóc vườn dừa

Trồng dậm:
Trồng dậm ngay khi cây chết hoặc ở mùa mưa tiếp theo là cách tốt nhất để các cây dừa trong vườn cho trái đồng đều.
– Che mát và đậy gốc:
Bạn cần che máy cho đến khi cây dừa bén rễ và phát triển tốt. Điều này sẽ hạn chế sự bốc thoát nước và giúp cây phục hồi nhanh sau khi trồng.
Ngoài ra, bạn cần đậy gốc cho cây con bằng các vụn dừa, vỏ dừa, xơ dừa,… Cách này sẽ giúp giảm bớt lượng nước bốc hơi trong mùa khô.
– Làm cỏ:
Làm cỏ là điều không thể thiếu để giúp cây dừa phát triển tươi tốt, không bị cạnh tranh chất dinh dưỡng. Bạn cần dọn sạch cỏ dại xung quanh mô, hố.
Trong giai đọan cây dừa chưa mang trái, bạn nên trồng xen canh các loại cây ngắn ngày hay cỏ để làm thức ăn cho gia súc. Bạn cũng có thể trồng các loại cây họ đậu để che phủ đất, hạn chế sự rửa trôi chất dinh dưỡng bề mặt, đồng thời cũng giúp tăng thêm chất hữu cơ bồi dưỡng cho đất, giảm chi phí chăm sóc và tăng thêm thu nhập cho nhà vườn.
– Bón phân:
Bón phân sẽ giúp cây dừa phát triển tốt hơn, tăng sức đề kháng, trái to và năng suất cao hơn. Do đó, bạn cần bón phân hữu cơ để cung cấp thêm phân vi lượng, cải tạo đất.
Từ năm thứ hai trở đi, bạn nên bón khoảng 20kg phân hữu cơ/cây. Sau mỗi năm sẽ tăng dần lên 5kg/cây. Từ năm thứ bảy trở đi, bạn hãy bón 50kg phân hữu cơ/cây/năm.
Như vậy, kỹ thuật trồng dừa cũng rất đơn giản và không kì công như các loại cây khác. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn nắm được kỹ thuật trồng dừa cho năng suất cao, tăng cao hiệu quả kinh tế. Chúc bạn thành công!

Bình luận bài viết (0 bình luận)

Bình luận đã bị đóng.